Tài nguyên titan Việt Nam – Định hướng phát triển

Tiềm năng khoáng sản của Việt Nam (với nguồn tài nguyên khoáng sản đã biết), nếu so sánh với các nước trên thế giới thì có thể xếp vào hàng các nước có tiềm năng khoáng sản đáng kể. Khoáng sản là loại tài nguyên không tái tạo được và có số lượng hạn chế do đó cần được quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến để sử dụng hợp lý tiết kiệm và có hiệu quả phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Việt Nam có nhiều khoáng sản kim loại nhưng trữ lượng không nhiều. Rất nhiều khoáng sản kim loại (vàng, bạc, đồng, v.v..) thế giới rất cần trong khi trữ lượng của Việt Nam rất ít, chỉ khai thác mấy chục năm nữa sẽ cạn kiệt, không đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng khoáng sản titan, Việt Nam có nhiều thì thế giới cũng có nhiều, nhu cầu hàng năm không lớn, phải hàng trăm năm nữa mới cạn kiệt. Vì vậy đây không phải là khoáng sản “nóng”, khoáng sản cạnh tranh để phát triển, nên chưa hẳn là điểm tựa để nền kinh tế Việt Nam bật lên.

1. Tiềm năng về tài nguyên

Theo kết quả đánh giá hiện nay, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về tài nguyên quặng titan, zircon. Quặng titan ở Việt Nam gồm các loại hình mỏ: Quặng titan gốc; quặng titan eluvi, deluvi; quặng sa khoáng titan – zircon.

Quặng titan gốc: Trữ lượng đã xác định là 4,8 triệu tấn ilmenit, nhưng có điều kiện khai thác và chế biến khó khăn.

Quặng titan eluvi, deluvi: Tổng tài nguyên đã đánh giá là hơn 4 triệu tấn ilmenit.

Quặng sa khoáng titan – zircon ven biển: gồm 2 loại là quặng phân bố trong tầng cát đỏ và quặng phân bố trong trầm tích cát xám. Theo số liệu hiện có, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo quặng titan khoảng 650 triệu tấn quặng tinh. Trong đó tài nguyên tập trung chủ yếu trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 599 triệu tấn tinh quặng. Bề dày tầng cát đỏ chứa quặng trung bình khoảng 85 m. Hàm lượng trung bình đạt 0,7%. Gồm các khu vực chính sau: Tại tỉnh Ninh Thuận – Tài nguyên dự báo 27 triệu tấn; Khu Tuy Phong (Bình Thuận) – Tài nguyên dự báo là 23,9 triệu tấn; Khu Bắc Phan Thiết (Bình Thuận) – Tài nguyên dự báo 476 triệu tấn; Khu Nam Phan Thiết (Bình Thuận) – Tài nguyên dự báo 56 triệu tấn; Khu Hàm Tân (Bình Thuận) – Tài nguyên dự báo 1,6 triệu tấn.

Tài nguyên quặng sa khoáng titan ở Việt Nam rất lớn, đảm bảo đủ cơ sở để xây dựng các khu công nghiệp khai thác, chế biến hiện đại, phát triển ổn định lâu dài. Chính phủ đã quy hoạch thăm dò khai thác quặng sa khoáng titan trong tầng cát đỏ tại khu Lương Sơn, tỉnh Bình Thuận với diện tích 150 km2 có tài nguyên đã đánh giá cấp 333 và 334a là 127 triệu tấn, trong đó zircon là 17 triệu tấn. Vị trí phân bố các khu vực tài nguyên xem hình 1.

Hình 1. Vị trí phân bố các khu mỏ khoáng sản titan.

2. Hiện trạng hoạt động khoáng sản titan

Theo thống kê đến đầu năm 2013, có trên 42 giấy phép hoạt động khoáng sản đối với quặng titan đang hoạt động, trong đó có 22 giấy phép khai thác với trữ lượng đã cấp phép là 14,2 triệu tấn quặng tinh; công suất khai thác hàng năm là 1,2 triệu tấn quặng tinh/năm.

Về thăm dò: Trữ lượng dự báo cho 09 khu vực đang thăm dò gần 9,5 triệu tấn quặng tinh. Ngoài ra, còn các khu vực khác thăm dò quặng titan tại các tỉnh Thái Nguyên, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Trị với trữ lượng dự báo sau khi thăm dò là 12,7 triệu tấn quặng tinh. 

Về khai thác: Đến nay, trên cả nước có cơ sở khai thác tại các tỉnh đang hoạt động với tổng trữ lượng cấp phép là 14,2 triệu tấn quặng tinh, công suất khai thác 1,2 triệu tấn (quy theo quặng ilmenit là 784 nghìn tấn/năm). Theo số liệu của các địa phương, trên địa bàn cả nước UBND cấp tỉnh đã cấp phép với tổng công suất đến 580 nghìn tấn quặng tinh/năm. Như vậy, hiện tại, tổng công suất khai thác quặng titan của cả nước đạt đến hơn 1,5 triệu tấn quặng tinh/năm. 

Về chế biến sâu: Hiện nay có 05 nhà máy xỉ titan và 02 nhà máy ilmenit hoàn nguyên đã và đang hoạt động với tổng công suất các sản phẩm khoảng 70.000 tấn/năm. Các cơ sở chế biến sâu đều hoạt động có hiệu quả.

Nhìn chung, các dự án chế biến sâu quặng titan chưa nhiều, đầu tư cầm chừng, đặc biệt chưa có dự án sản xuất pigment, titan xốp, titan kim loại. Nhưng đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký dự án chế biến sâu gắn với dự án khai thác. Để phát triển bền vững, tránh đầu tư tràn lan, lãng phí và tranh chấp nguồn nguyên liệu, cần có quy hoạch các dự án chế biến sâu quặng titan, bảo đảm sử dụng hết nguồn nguyên liệu khai thác, tránh đầu tư manh mún, nhập khẩu công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, môi sinh. Mặt khác, cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực về công nghệ, kinh nghiệm, vốn đầu tư tham gia dự án chế biến, điều chỉnh thuế xuất khẩu theo hướng giảm tối đa mức thuế đối với sản phẩm qua chế biến.

3. Định hướng phát triển

– Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan đồng bộ và bền vững theo hướng hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo hiệu quả kinh tế-xã hội, giữ gìn được môi trường và trật tự an toàn xã hội. Sản phẩm của ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan phải là các sản phẩm chế biến sâu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

– Phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với lộ trình và quy mô hợp lý nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế đất nước từng thời kỳ; trên cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo thu hồi tối đa các thành phần có ích trong quặng titan, tiết kiệm năng lượng; từng bước hình thành các tổ hợp công nghệ mỏ-tuyển-chế biến sâu quặng titan trước hết tại vùng tập trung tài nguyên quặng titan ở Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Định.

– Đầu tư phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan trên cơ sở huy động nhiều nguồn lực khác nhau trong và ngoài nước. Việc hợp tác đầu tư với nước ngoài chủ yếu nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến sâu và thâm nhập thị trường quốc tế.

–  Đến năm 2015: Hoàn thành công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ titan huy động trong kỳ quy hoạch, đảm bảo trữ lượng tin cậy cho việc đầu tư các dự án khai thác, chế biến titan; Duy trì sản xuất ở quy mô phù hợp khả năng tiêu thụ thực tế đi đôi với sắp xếp lại sản xuất đối với các mỏ titan và cơ sở chế biến quặng titan hiện có, đổi mới và nâng cấp công nghệ, nâng cao khả năng thu hồi quặng nghèo, quặng đuôi tuyển; Chủ yếu sản xuất xỉ titan, ilmenit hoàn nguyên và một số sản phẩm đi kèm từ zircon, rutil nhân tạo, thuốc hàn… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy luyện titan xốp/titan kim loại tại tỉnh Bình Thuận (công suất đến 20.000 t/năm); Nghiên cứu công nghệ, chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng 1 ÷ 2 nhà máy sản xuất pigment với công suất tối thiểu 30 ngàn tấn/năm/nhà máy và nhà máy sản xuất ferro titan; chuẩn bị hạ tầng đầu tư Tổ hợp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn tại Bình Thuận.

– Giai đoạn 2016-2020: Hình thành ngành công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan với sản phẩm chính là xỉ titan, pigment, titan xốp/titan kim loại và một số loại sản phẩm từ zircon trên cơ sở duy trì sản xuất và mở rộng các cơ sở chế biến đã đầu tư kết hợp xây dựng mới một số cơ sở chế biến sâu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Xây dựng và phát triển khu vực Bình Thuận thành Trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến quặng titan quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, sản phẩm chủ yếu là pigment, titan xốp, đáp ứng nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu.

– Giai đoạn 2021-2030: Phát triển ổn định và bền vững ngành công nghiệp titan, củng cố vị trí là một nhà cung cấp các sản phẩm xỉ titan, pigment và titan xốp cho thị trường thế giới; Đáp ứng đủ nhu cầu pigment, các hợp chất zircon, titan xốp, titan kim loại cho nhu cầu trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu. Định hướng sản lượng chế biến các sản phẩm xem bảng 2.

ThS.Đào Công Vũ,ThS. Nguyễn Thị Hồng Gấm
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim

Nguồn: http://vimluki.vn/tai-nguyen-titan-viet-nam-dinh-huong-phat-trien-6299.html