Ông chủ doanh nghiệp tư nhân trở thành Anh hùng

Xuất thân từ người làm thuê, Nguyễn Văn Đông là chủ doanh nghiệp tư nhân đầu tiên được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đi lên từ người làm thuê

Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Văn Đông gây ấn tượng mạnh cho tôi khi tình cờ gặp anh trong bữa cơm trưa tại văn phòng Cty Xây lắp Rạng Đông ở thành phố Phan Thiết.

Bữa cơm đạm bạc, không hề có trong ý nghĩ của tôi về một tỷ phú tuổi 43. Một đĩa mắm cá cơm, vài lát thịt luộc, tô canh rau. Vỏn vẹn chỉ 4.000 đồng. Một ngàn hai trăm cán bộ và công nhân dưới quyền và cả giám đốc Đông đều được trợ cấp tiền ăn 8.000 đồng một ngày. Đông cười : “Mình ăn uống đạm bạc quen rồi nhưng khi tiếp khách thì cũng tiếp như… thượng đế ”.

Đông quê ở làng Đức Phú, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Đông xin phép mẹ đi tìm sự nghiệp. Đông nhảy chui tàu hàng xuôi về Nam, vốn liếng là khát khao cháy bỏng đổi đời cơ cực cho mình, cho gia đình.

Tàu qua ga Suối Kiết – Tánh Linh, thêm vài ga lẻ, chàng thư sinh kịp “biến” trước khi tàu dừng tại ga Giá Rai để tránh nhân viên kiểm soát. Từ đó, anh lội bộ ra Ông Đồn (Xuân Lộc – Đồng Nai). Qua đêm đầu tiên nơi đất lạ trong một sạp hàng ở chợ, ngoài lũ muỗi quấy rầy anh còn bị du kích mời về xã hỏi giấy tờ.

Hiện Đông còn là chủ một làng du lịch ba sao Resort The Beach diện tích 1, 1ha ven biển Hàm Tiến thơ mộng; chủ đầu tư xây dựng khu dân cư Đông Xuân An – Phan Thiết diện tích 113.000 ha với kinh phí 184 tỷ đồng; chủ đầu tư xây dựng cầu Phú Hài theo hình thức BOT; Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Bình Thuận; thành viên Hội đồng Cty TNHH BOT Quốc lộ 1K thành phố Hồ Chí Minh; chủ đầu tư Khu du lịch sinh thái Đá Ông Địa gồm sân Golf 18 lỗ, khách sạn, biệt thự và các công trình kinh doanh phục vụ khách du lịch và nghỉ dưỡng trên diện tích 131 ha ven biển Phú Hài – Phan Thiết; chủ đầu tư trồng hàng trăm ha rừng trên Đồi Cát Bay, Đá Ông Địa bằng công nghệ trồng cây trên sa mạc của Israel …

Từ đó, anh lần vào Long Khánh, xuống Phú Mỹ, rồi Hắc Dịch (Bà Rịa). Ai thuê gì làm nấy, làm cỏ bắp, sát củ mì. Không người thuê, anh vào rừng lấy tre. Sức vóc không vạm vỡ để vác hai cây tre từ rừng ra chợ, anh chỉ chặt một cây rưỡi tre, bán nửa cây mua gạo, còn tiền một cây tre anh giắt lưng để dành.

Khát vọng làm giàu luôn thôi thúc tim anh, cháy bỏng trong từng giấc ngủ. Rồi anh ngược lên Võ Đắc – Đức Linh, xuôi về Bắc Ruộng – Tánh Linh. Tại đây, anh làm ruộng thuê, tậu ruộng, tậu đất trồng tiêu. Đã ổn định, anh đưa cả gia đình vào lập nghiệp. Mẹ anh dựng cái chòi nhỏ tại chợ, đồng vốn buôn bán sinh sôi của bà qua tay Đông nhanh chóng tăng lên nhiều lần.

Đông ngậm ngùi: “Tôi mới về Tánh Linh xây mộ cho anh em …”. Anh em mà Đông nói là các cộng sự đầu tiên của anh ở tổ xây dựng số 4 do anh làm tổ trưởng. Năm 1990, với số vốn 36 triệu đồng và 4 công nhân, Đông bắt đầu nhận thi công các công trình nhỏ lẻ ở vùng sâu huyện Tánh Linh mà các nhà thầu lớn lắc đầu.

Đông kể: “Công trình xây dựng đầu tiên của tôi là một cái cống ở miền núi. Làm chẳng lãi mà còn lỗ công”. Một nhà thầu xây dựng mới, ít vốn như Đông thật khó tồn tại nếu không có sách lược khôn khéo và mềm dẻo. Đông tạo mối quan hệ, tiếp thị thương hiệu của mình bằng cách lân la đến nhà những người có ý định xây nhà mới vào dịp giỗ chạp trước hai ngày để giúp gia chủ mua sắm, dọn dẹp nhà cửa. Biết thực lực của mình, Đông chỉ nhận làm các công trình mà nhà thầu có máu mặt chê để tránh va chạm, và từng bước củng cố thương hiệu, uy tín  cũng như nhân lực, vốn liếng.

Bốn năm sau, vào năm 1994, khi doanh thu của tổ hợp từ 100 triệu lên đến 2,5 tỷ, Đông chuyển đổi mô hình thành Xí nghiệp và đặt chân lên địa bàn Phan Thiết. Năm 1997, doanh thu lên 30 tỷ đồng, Đông quyết định thành lập Cty Xây lắp Rạng Đông. Bảy năm sau, năm 2004, doanh thu của Cty là 210 tỷ đồng. Đông tâm sự: “Mười lăm năm nay, từ khi vào nghề xây dựng, chưa đêm nào tôi ngủ trước một giờ sáng”.

Lo cho người nghèo

Cty Xây lắp Rạng Đông chuyên xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi; trồng rừng; dịch vụ thu phí cầu đường; dịch vụ du lịch; kinh doanh bất động sản…

Nhiều công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Thuận đã được Cty Rạng Đông thi công, như tuyến đường Phan Thiết – Mũi  Né, tuyến đường ven biển từ Hàm Tân đến Bắc Bình và các tuyến nối miền núi với đồng bằng. Tất cả những tuyến đường này đều được đánh giá cao về chất lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh cực Nam Trung bộ phát triển.

Một góc khu du lịch của anh đông ở ven biển Hàm Tiến (Bình Thuận).

Đông tự hào: “Thi công cầu đường, Cty Rạng Đông chỉ cần mua 3 loại là sắt, xi măng và nhựa đường”. Đúng vậy, với Cty Vật liệu xây dựng và Cơ khí Tà Dôn cũng của Đông thành lập và làm giám đốc, Đông có trong tay hai mỏ đá xây dựng; các trạm trộn bê tông nóng, bê tông xi măng; xưởng sản xuất gạch con sâu lát lề đường; xưởng đúc ống cống; xưởng đúc dầm dự ứng lực để làm cầu; xưởng cơ khí sửa chữa hơn hai trăm đầu xe, máy móc thiết bị cầu đường của Cty.

Năm 2003, Đông được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 9/2005, Đông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vì đã có thành tích đặc biệt trong xây dựng đất nước giai đoạn 1995 – 2005.

Trong vô số bằng khen của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương dành cho Cty Rạng Đông và cá nhân giám đốc, chúng tôi chú ý đến những bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc tổ chức tốt điều kiện sống và làm việc cho công nhân – viên chức của Cty. Ngoài trợ cấp tiền ăn hàng ngày, Cty còn trợ cấp về y tế, mỗi năm tăng một lần lương, thưởng công xứng đáng người có thành tích công tác, đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của các đội thi công ở vùng sâu vùng xa…

Nguyễn Văn Đông là giám đốc doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong cả nước được vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Người anh hùng này còn có một trái tim nhân hậu, hằng năm dành cả tỷ đồng để làm công tác xã hội, ủng hộ các quỹ vì người nghèo.

Anh thổ lộ ước vọng thầm kín của mình từ ngày đói rét chứng kiến những cái chết thương tâm vì nghèo khó: “ Trước sáu mươi tuổi tôi sẽ xây dựng một bệnh viện hiện đại, trang bị thiết bị y tế tối tân có nối mạng với các bệnh viện lớn ở TPHCM, Hà Nội để chẩn đoán, chữa bệnh từ xa. Bệnh viện sẽ có hai khu điều trị, một cho người khá giả và một cho người nghèo. Khu dành riêng cho người khá giả sẽ thu tiền, số tiền này sẽ dùng trang trải cho khu người nghèo”.

Hồ Việt Khuê

Nguồn: https://tienphong.vn